Ông già Noel

Santa Claus, hay Ông già Noel (phiên âm tiếng Việt Ông già Nô-en), Ông già Giáng sinh, hay là Ông già Tuyết (theo cách gọi tại Nga), là nhân vật đóng vai trò như là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông Noel. Một số ông già Noel cũng hấp thụ các yếu tố của thần Wodan của Đức, vốn có liên quan đến sự kiện giữa mùa đông của Yule và dẫn đầu đám rước Wild Hunt ma quái trên bầu trời.

Hình ảnh tiêu biểu của ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng màu đen, đội chiếc mũ đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt đẹp trai, mang túi đầy quà tặng cho trẻ em, đã tồn tại trong nhiều văn hoá, đặc biệt ở các nước phương Tây. Hình ảnh này đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ và Canada vào thế kỷ 19 do ảnh hưởng đáng kể của bài thơ "Chuyến thăm từ Thánh Nicholas" năm 1823 của họa sĩ biếm họa và vẽ tranh biếm họa chính trị Thomas Nast.[1][2][3] Hình ảnh này đã được duy trì và củng cố cho đến ngày nay thông qua các bài hát, đài phát thanh, truyền hình, sách thiếu nhi, phim ảnh và quảng cáo.

Ông già Noel được cho là sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi chín con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi, với tiếng cười nghe như "hô hô hô".[4][5

Tên gọi

 
  • Trong tiếng Anh, Ông già Noel được gọi là Santa Claus, thường được cho là bắt nguồn từ tiếng Hà Lan Sinter Klaas, dựa trên nguyên mẫu về một nhân vật có thật ở thế kỷ thứ 4 là Thánh Nikolaus.
  • Trong tiếng Việt, trong thời Pháp thuộc, người Pháp gọi ông là Le Père Noel (ông Cha, linh mục Noel), từ đó tiếng Việt gọi tắt là "Ông già Noel", nhiều khi còn được gọi là "Ông già Tuyết"[cần dẫn nguồn].

Người ta (đặc biệt là trẻ em) cho rằng Ông già Noel sống và làm việc ở Bắc Cực, nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood như The Polar Express lại càng củng cố niềm tin thơ ngây này. Các quốc gia ở Bắc Âu như: Đan MạchThụy ĐiểnNa UyIcelandPhần Lan đều tự nhận rằng xưởng chế tạo đồ chơi của ông già Noel nằm ở quốc gia họ.

Ngày nay, người ta chấp nhận Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra (280 - 343), Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều sử gia cho rằng hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel xuất hiện trong một bài thơ có tên: A visit from Saint Nicholas (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Còn hình ảnh một ông già phúc hậu, với một bộ râu trắng dài trong bộ đồ màu đỏ có viền trắng thì xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút tưởng tượng của nghệ sĩ Thomas Nast. Tại phương Tây, ngày lễ Thánh Nicholas là vào ngày 6 tháng 12.

Ông già Noel ở Lapland, Phần Lan

So với những quốc gia Bắc Âu được cho là xuất xứ của ông già Noel, Phần Lan có vẻ được biết đến nhiều hơn hết. Là một đất nước nổi tiếng về du lịch mùa đông và tuyết, cùng những món ăn đặc sản như cá hồi và thịt tuần lộc, ông già Noel cũng là biểu tượng văn hóa du lịch của Phần Lan. Người ta cho rằng ông già Noel cư ngụ tại Lapland, miền Bắc Phần Lan. Thành phố Rovaniemi, thủ đô của vùng Lapland, được xem là thủ phủ của ông già Noel.

Làng ông già Noel nổi tiếng ở Rovaniemi, nằm ngay vành đai Bắc Cực là nơi sinh sống và làm việc quanh năm của ông. Ngôi làng có rất nhiều điểm tham quan như văn phòng ông già Noel, nơi ở của các chú lùn, bưu điện ông già Noel, lò bánh Giáng Sinh… Mọi hoạt động trong làng rất sôi động và chào đón hàng trăm ngàn khách du lịch đến thăm vào mỗi dịp Giáng Sinh. Ngoài ra, công ty media JoulupukkiTV (Joulupukki trong tiếng Phần Lan có nghĩa là "ông già Noel") ở Rovaniemi có một trang web, phát hành DVD và thiệp DVD về ông già Noel, lễ hội Giáng Sinh thế giới.

Ông già Noel ngày nay

Vào lễ Giáng sinh, nhiều ông già Noel được thuê mướn để phát quà cho trẻ em.

Những người bạn đồng hành của ông già Noel

Ông già Noel theo truyền thống thường còn có một loạt những người bạn đồng hành khác nhau,[6] tùy thuộc vào từng vùng đất và nền văn hóa, phản ánh lịch sử và tín ngưỡng địa phương. Những nhân vật thần thoại này có nhiều đặc điểm chung, đóng vai trò của người trừng phạt hoặc người bắt cóc. Họ thường mang bên mình một cây gậy, cái que, hay cây chổi, khoác lên mình những bộ quần áo rách rưới màu đen, với mái tóc bù xù, lộn xộn.

Có thể kể đến như:

  • Krampus
  • Knecht Ruprecht (Tá điền Rupert, Người hầu Rupert): là một người đàn ông già với một chòm râu dài, khoác lên mình bộ trang phục bằng rơm hay bằng da lông thú. Người ta biết Knetcht Ruprecht xuất hiện khi nghe tiếng chuông rung. Nhân vật này thường cho trẻ con trái cây và bánh nếu chúng ngoan ngoãn học giáo lý. Nếu phát hiện trẻ không học bài, Knecht Ruprecht sẽ để vào đôi giày của chúng cây gậy hay hòn than.
  • Belsnickel: nhân vật này phổ biến ở Palatinate (Đức), Pennsylvania (Mỹ) và vùng bờ biển phía đông Canada. Tại một số vùng, Belsnickel ăn mặc giả dạng phụ nữ, trùm khăn che đầu và mặt, mang theo bánh kẹo cùng với cây gậy dài.
  • Zwarte Piet (Pete Đen): nhân vật này phổ biến ở BỉHà LanLuxembourg. Những người đóng vai Zwarte Piet phải tô gương mặt màu đen, đội tóc giả màu đen và tô môi màu đỏ. Bề ngoài của Zwarte Piet hiện bị phản đối ở Hà Lan do dễ liên tưởng đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.